Hậu quả Trưng cầu ý dân về chính thể Ý năm 1946

Công bố kết quả sơ bộ và đụng độ ở Napoli

18 giờ ngày 10 tháng 6, Tòa phá án công bố kết quả sơ bộ ở Cung Montecitorio tại Roma và quyết định lùi ngày công bố kết quả toàn bộ về ngày 18 tháng 6 để giải quyết xong các đơn khiếu nại. Phe cộng hòa biểu tình rầm rộ ở nhiều thành phố. Ngày 11 tháng 6, một tờ báo tại Milano giật tít "Nước Cộng hòa Ý được thành lập". Một tờ nhật báo tại Torino đưa tin "chính quyền đã xác nhận chiến thắng của phe cộng hòa" và đặt câu hỏi "vấn đề là nhà nước cộng hòa đã được tuyên bố thành lập chưa".[45]

Một thảm kịch xảy ra ở Napoli vào ngày 11 tháng 6, một thành phố ủng hộ chế độ quân chủ. Một đoàn người biểu tình ủng hộ chế độ quân chủ diễu hành về phía trụ sở chính quyền địa phương rồi chuyển hướng sang trụ sở Đảng Cộng sản Ý. Mặt tiền trụ sở có treo cờ đỏ và quốc kỳ Ý nhưng huy hiệu hoàng gia đã bị cắt mất. Mặc dù có xe bọc thép canh nhưng đám đông cố xông vào trụ sở. Báo cáo của chính quyền cho rằng phe biểu tình nổ súng trước, hai bên hỗn chiến bằng súng máy. Tổng cộng chín người biểu tình bị chết, nhiều người khác bị thương.[46]

Cựu hoàng rời khỏi Ý

Umberto II ở Ciampino chuẩn bị rời khỏi Ý vào ngày 13 tháng 6 năm 1946.

Đêm ngày 12 tháng 6, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng De Gasperi triệu tập phiên họp chính phủ. De Gasperi nói ông nhận được thư từ Umberto II cam kết tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân nhưng sẽ đợi Tòa phá án công bố kết quả toàn bộ. Chính phủ họp xuyên đêm về thư từ, biểu tình của phe bảo hoàng như vụ biểu tình tại Napoli và những cuộc biểu tình sắp tới. Hôm sau, Hội đồng Bộ trưởng quyết định ủy quyền hạn quốc trưởng lâm thời cho De Gasperi mà không cần phải đợi Tòa phá án công bố kết quả toàn bộ. Tất cả thành viên Hội đồng Bộ trưởng đều biểu quyết tán thành, ngoại trừ Leone Cattani. Tuy một số tùy tùng khuyên ông phản đối quyết định nhưng Umberto II quyết định rời khỏi Ý vào hôm sau, tạo điều kiện chuyển giao chính quyền một cách hòa bình,[47] nhưng không quên lên án "động thái cách mạng" của De Gasperi.[48]

Công bố kết quả toàn bộ

18 giờ ngày 18 tháng 6, Tòa phá án công bố kết quả toàn bộ trưng cầu ý dân.[49] Năm 1960, Giuseppe Pagano, chánh án Tòa phá án thừa nhận việc kiểm phiếu, bàn giao biên bản trưng cầu ý dân quá chậm nên Tòa phá án không thể kiểm tra đầy đủ.[50]

Cục diện chính trị thay đổi

Trong cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến, Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo được 37,2% phiếu bầu, Đảng Xã hội chủ nghĩa Ý được 20,7%, Đảng Cộng sản Ý được 18,7%. Ba nhân vật chính chi phối chính trường: Alcide De Gasperi thuộc Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo; Palmiro Togliatti, tổng bí thư Đảng Cộng sản Ý; và Pietro Nenni thuộc Đảng Xã hội chủ nghĩa Ý đóng vai trò trung gian dao động giữa hai bên. Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo chủ trương ôn hòa giữa hai khối hữu và tả trên chính trường trong thời kỳ chuyển tiếp chính quyền và chế độ mới nhằm duy trì quyền lực.[51]

Những đảng bảo hoàng như Liên minh Dân chủ Dân tộc, Liên minh Tự do Quốc gia và Mặt trận Bình dân thất cử lớn và giải tán, thành phần bảo hoàng tập hợp quanh những đảng khác như Đảng Tự do Ý do Benedetto Croce lãnh đạo. Tuy nhiên, Đảng Hành động cũng tan rã, là đảng kế thừa tư tưởng cộng hòa, cải cách, thế tục của Giuseppe Mazzini.[52]

Nhà nước cộng hòa non trẻ

Palmiro Togliatti

Ngày 28 tháng 6 năm 1945, Quốc hội lập hiến bầu Enrico De Nicola làm quốc trưởng lâm thời trong phiên họp đầu tiên với 396 trong số 501 đại biểu biểu quyết tán thành. Ngoài phẩm chất ra thì De Nicola xuất thân từ Napoli và có tư tưởng bảo hoàng lâu năm,[47] mục đích là bảy tỏ thiện chí hòa giải, đoàn kết với dân miền Nam. De Nicola chưa phải là tổng thống do chưa có hiến pháp.[53] De Gasperi trình đơn từ chức chính phủ lên De Nicola và yêu cầu ông thành lập chính phủ đầu tiên của nước Cộng hòa Ý.[53]

Tháng 2 năm 1947, Ý kí kết Hòa ước Paris với khối Đồng Minh, một khoảnh khắc cay đắng đối với lực lượng chống phát xít buộc phải gánh chịu hậu quả của liên minh giữa Ý và Đức Quốc Xã. Nhà triết học, nhà chính trị Benedetto Croce viết "nhân dân Ý chúng ta bại trận và đánh mất tất cả, kể cả những người tận lực phản đối chiến tranh, kể cả những người bị chính quyền đàn áp, kể cả những người bị bức tử". Hòa ước Paris quy định chuyển tiếp về những lãnh thổ đông bắc như Trieste, Gorizia, Pula, FiumeZadar. Khu vực phía bắc của Trieste trở thành lãnh thổ của Nam Tư mặc dù dân số phần lớn là người Ý, khiến cho 250.000 người phải di cư thoát khỏi xung đột sắc tộc.[43] Tháng 6 năm 1947, ban chấp hành Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo cho phép Alcide De Gasperi thành lập nội các mới không bao gồm những thành phần thuộc Đảng Cộng sản Ý và Đảng Xã hội chủ nghĩa Ý, đánh dấu kết thúc liên minh giữa lực lượng chống phát xít và lực lượng chống quân chủ trước bối cảnh Chiến tranh Lạnh bắt đầu nóng lên.[54]

Mario Scelba, tân bộ trưởng nội vụ bắt đầu siết chặt kiểm soát đối với toàn bộ lãnh thổ nước Ý. Ông thay thế những tỉnh trưởng do Ủy ban Giải phóng Dân tộc bổ nhiệm. Ngày 28 tháng 11 năm 1947, phe cộng sản nổi dậy cướp chính quyền địa phương ở Milano. Dưới sự lãnh đạo của những cựu chỉ huy lữ đoàn, lực lượng cộng sản chiếm đóng trụ sở chính quyền, cướp súng đạn và dựng rào chắn trên khắp địa phương. Tổng liên đoàn lao động Ý tổ chức tổng đình công. Bí thư đảng bộ địa phương điện Scelba khiêu khích: "bây giờ mất một tỉnh rồi đó" rồi điện Palmiro Togliatti, tổng bí thư Đảng Cộng sản Ý khoe chiến công: "chúng ta chiếm được tỉnh Milano rồi". Togliatti lập tức dội gáo nước lạnh: "vậy ông tính làm gì?"[55] Trong những tháng ngày đầu tiên của nhà nước cộng hòa, Togliatti quyết định không phát động cách mạng để cướp chính quyền mà giữ vững chủ trương giành chính quyền một cách hợp pháp trong khuôn khổ các thể chế chính trị.[56]

Ngày 1 tháng 1 năm 1948, Hiến pháp nước Cộng hòa Ý có hiệu lực. Điều 1 quy định "Ý là một nước cộng hòa dân chủ được xây dựng trên nền tảng lao động". Điều khoản chuyển tiếp quy định "cấm nhập cảnh, cư trú trên lãnh thổ quốc gia đối với các cựu hoàng nhà Savoia, vợ của cựu hoàng và các hậu duệ nam". Enrico De Nicola trở thành tổng thống nước Cộng hòa Ý.[29][57]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trưng cầu ý dân về chính thể Ý năm 1946 http://www.universalis.fr/encyclopedie/italie-la-v... http://www.isral.it/web/web/risorsedocumenti/2%20g... http://www.isspe.it/rassegna-siciliana/54-numeri-r... http://www.quirinale.it/qrnw/statico/costituzione/... http://camera.archivioluce.com/camera-storico/sche... http://www.linkiesta.it/due-giugno-festa-repubblic... http://mjp.univ-perp.fr/constit/it1947a.htm#d https://books.google.fr/books?id=yygKk164ldAC&prin... https://books.google.fr/books?id=WbwvPvkbGUYC&prin... https://books.google.fr/books?id=Wc0GD1J_isIC&prin...